Sự kiện

Uday Shankar Sinha - Tổng Giám đốc Suntory PepsiCo: Bản năng của phụ nữ là cống hiến cho điều tốt đẹp

Lan tỏa nguồn năng lượng tích cực qua lối trò chuyện dí dỏm và cởi mở, vị Tổng Giám Đốc người Ấn Độ của Suntory PepsiCo, ông Uday Shankar Sinha hào hứng chia sẻ trải nghiệm về đa dạng văn hóa từ chặng hành trình xuyên qua 6 quốc gia Á châu. 



 Từng làm việc ở nhiều quốc gia lớn như Thái Lan, Đài Loan, Ấn Độ… ông có thể chia sẻ góc nhìn của mình về ngành hàng tiêu dùng nhanh và thị trường Việt Nam?

Tôi từng làm việc ở 6 quốc gia, bắt đầu từ Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Dubai và bây giờ là Việt Nam. Công việc đã đưa tôi đến hơn 25 quốc gia, những nơi mang lại cho tôi kinh nghiệm làm việc trong một môi trường toàn cầu đa dạng và đa văn hoá. Tôi nhìn thấy Việt Nam có rất nhiều tiềm năng: sức mạnh và nguồn lực từ dân số trẻ với tốc độ tăng trưởng cao ở mức 6-6,5%, và hiện nay đang đón nhận rất nhiều vốn đầu tư cũng như sự quan tâm của các tập đoàn, công ty nước ngoài. Các chính sách hỗ trợ từ chính phủ cũng như chi phí kinh doanh thấp cũng là điều giúp Việt Nam tiếp nhận ngày càng nhiều vốn FDI. Với những dấu hiệu lạc quan đó, nếu các bạn biết nắm bắt cơ hội, chỉ trong 5 năm nữa thôi, bạn sẽ thấy có những dấu hiệu phát triển vượt bậc từ các ngành, không chỉ riêng ngành hàng tiêu dùng nhanh.

Từng làm việc với vai trò Giám Đốc Marketing, chịu trách nhiệm về ý tưởng và quảng bá hình ảnh sản phẩm, sau đó là vị trí Giám Đốc Kinh Doanh phát triển kênh bán hàng, với ông những trải nghiệm mang tính tương hỗ này hẳn là một yếu tố giúp ông trở thành CEO của Suntory PepsiCo Việt Nam?

Trong công việc, tôi thường nghĩ đến câu hỏi “làm thế nào để VUI trong công việc” hơn là chỉ chăm chăm nhìn vào bản chất công việc đó. Nếu thay đổi một công việc mới có thể mang đến cho bạn sự phát triển, và đặc biệt là tầm nhìn thì điều đó cực kỳ tốt. Trước đây, khi làm việc vị trí Giám Đốc Tiếp Thị tại Ấn Độ tôi được hiểu nhiều về thị hiếu tiêu dùng của khách hàng, khái niệm về giao tiếp, làm sao để định vị khách hàng, phân khúc thị trường, làm thế nào tiếp cận đúng đối tượng và tạo được vị trí của sản phẩm trong tâm trí người tiêu dùng – những điều quan trọng dẫn dắt khách hàng mua sản phẩm. Còn khi đảm nhận vai trò Giám Đốc Kinh doanh, tôi được trải nghiệm, củng cố kỹ năng bán hàng, hiểu về các kênh phân phối, tạo nên những tình huống cả hai bên cùng có lợi và cách thúc đẩy doanh số. Tôi luôn luôn cố gắng tìm ra giải pháp win-win giữa công ty và đối tác để đạt được mục tiêu về doanh số. Và quả đúng vậy, tất cả những kinh nghiệm đó cộng với kiến thức tôi học được góp phần mở đường cho tôi đảm nhận vai trò Tổng Giám đốc tại Việt Nam.

Nhìn lại khoảng thời gian làm việc tại PepsiCo – một tập đoàn đa quốc gia, trải nghiệm nào ông cho là tâm đắc nhất?

Bài học bổ ích nhất mà tôi có được qua 16 năm làm việc tại PepsiCo và Suntory PepsiCo Việt Nam là “Hãy đón nhận sự thay đổi. Bởi vì không có thay đổi, sẽ không có tiến bộ.” Tôi tin tưởng rằng Suntory PepsiCo Việt Nam là một trong những môi trường tuyệt vời nhất để làm việc. Thị trường nước giải khát Việt Nam đang thay đổi, và với việc khách hàng đang tìm kiếm những lựa chọn mới, chúng tôi luôn tập trung mọi nguồn lực vào sự cải tiến. Ví dụ như TEA+ Plus (Trà Ô long và Matcha) và Cà phê đóng chai My Café là một vài trong số các sản phẩm mới của chúng tôi trong 4 năm qua. Tại Suntory PepsiCo Việt Nam, nơi chúng tôi có 5 nhà máy, 450 điểm phân phối, 3.000 nhân viên và hơn 1,1 triệu điểm bán lẻ, thì không chỉ với bản chất công việc, sự thay đổi còn đến từ việc tổng hòa nền văn hóa đa quốc gia giữa hai đại diện, một từ Mỹ và một từ Nhật. Ngay khi sáp nhập giữa Suntory và PepsiCo, rất nhiều nhân viên đã lo lắng về sự đối đầu giữa các luồng tư tưởng qua sự sát nhập này. Thế nhưng sau 4 năm nhìn lại, mọi nhân viên đều cảm thấy hài lòng. Chúng tôi đã làm được, bằng cách gắn kết những điểm tương đồng và hơn hết là tôn trọng sự khác biệt, đón nhận những nét tinh túy từ các góc nhìn khác nhau. Và cứ như thế, hành trình thay đổi đưa chúng tôi đến những thứ lớn hơn và một tương lai tươi sáng ở phía trước. Đấy là những điều tôi đã chứng kiến trong hành trình 16 năm qua tại nơi mình làm việc.



Nhân nói về sự đa dạng văn hóa trong các công ty đa quốc gia, công thức của riêng ông để dễ dàng hòa nhập và dẫn dắt nhân viên từ nhiều nền văn hóa khác nhau là gì?

Khi bạn đến một đất nước mới, hầu như mọi người đều nhìn bạn với nhiều thắc mắc về cách bạn sẽ ứng xử. Đặc biệt, khi tôi mới đảm đương một vị trí lãnh đạo thì trong suy nghĩ của đội ngũ sẽ là câu hỏi “tôi sẽ lãnh đạo công ty như thế nào?”. Với tôi, tôn trọng con người và văn hóa bản địa nơi mình đến là yếu tố đầu tiên. Đặc biệt khi là lãnh đạo, bạn càng phải ưu tiên điều này. Bên cạnh đó, tôi cho rằng sẽ chẳng có ai muốn làm việc với một thiên tài mà kỹ năng xã hội kém, hoặc ngược lại, một con người thân thiện song ít kiến thức. Bạn cần phải có đủ cả hai. Công thức của tôi được gói gọn trong từ HAIL (Honest – Authenticity – Integrity – Love). Khi bạn đối xử với ai đó chân thành, tôn trọng và dùng bản thân mình làm gương, biết chia sẻ và nghĩ những điều tốt đẹp cho họ, tôi tin rằng họ nhất định sẽ yêu mến bạn không chỉ trong góc độ công việc, mà trong cả cuộc sống.

Tôi có thể nhìn thấy ông là một người lãnh đạo có thể lan tỏa được nguồn năng lượng tích cực và sự nhiệt tình trong công việc. Điều gì đã mang lại niềm vui và sự cân bằng này?

Cảm ơn bạn. Hàng ngày, tôi thường dậy rất sớm, thường vào 5:30 sáng. Lý do khá đơn giản: để có thêm thời gian cho bản thân mình. Tôi dùng hai giờ mỗi sáng để tập gym, yoga cho đến khoảng 7:00-7:30. Tôi gọi đó là “Thời gian của tôi”. Bằng cách đấy, cơ thể mới được nạp đủ năng lượng cho cả ngày dài và bắt đầu một ngày làm việc với sự hăng hái. Phải nói thêm rằng công việc của tôi đang theo đuổi thật sự thú vị. Mỗi ngày đến công sở đều có một thách thức giúp cho tôi năng động và hào hứng. Bạn biết đấy, cùng với các đồng nghiệp tìm tòi, suy nghĩ các giải pháp thúc đẩy doanh thu, đưa con số sản phẩm tiêu thụ lên con số hàng tỉ là một động lực tuyệt vời. Chưa kể đến các đồng nghiệp tại nơi tôi làm việc đều khá trẻ, ở độ tuổi trung bình từ 30-35, vì thế tôi cũng được ảnh hưởng ít nhiều từ sự trẻ trung của họ.

Ông có thể kể về một cơ hội lớn nhất mà bản thân mình gặp được? Ông có đồng tình rằng “cơ hội tốt không bao giờ đến lần hai”?

Vào cuối năm 2.000, tôi nhận được lời mời chuyển tới trụ sở của PepsiCo tại Bangkok. Khi ấy, tôi đang làm việc ở Ấn Độ, đứng đầu bộ phận Marketing với hơn 100 nhân viên. Đấy là một quyết định khó khăn vì với nơi mới, tôi hầu như chẳng có gì, chỉ có một nhân viên, môi trường xa lạ, những người mới với lối tư duy ít nhiều khác biệt, trong khi tôi đang rất vui vẻ với những gì mình đang có. Nhưng vì tôi nghĩ rằng đây là một cơ hội để trải nghiệm thế giới, nên tôi đã đón nhận thách thức này. Đến giờ, khi đã chu du qua nhiều quốc gia và làm việc tại hơn 6 nước, tôi thật sự thấy may mắn vì đã không chọn việc ở nguyên tại vị trí cũ. Thay đổi là một cơ hội quá đỗi tuyệt vời mở ra cánh cửa cho tôi nhìn thấy thế giới rộng lớn dường nào. Nên tôi đồng ý với bạn, cơ hội tốt không đến hai lần. Nên khi bạn nhìn thấy nó, phải nhớ nắm bắt bằng cả hai tay đấy nhé (cười).



Người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất với ông, hãy kể một chút về người đó được không?

Đầu tiên phải kể đến mẹ tôi, bà luôn dành cho tôi tình yêu vô điều kiện và dạy cho tôi bài học về niềm tin ở bản thân. Ngoài ra, hai người chị gái cũng là những người quan trọng với tôi trong thời niên thiếu. Họ đã dạy cho tôi cách chia sẻ yêu thương và những suy nghĩ đầu tiên về nam nữ bình quyền. Cuối cùng nhưng không kém quan trọng, là vợ tôi, tất nhiên rồi. Bên cạnh công việc là chuyên gia thiết kế nội thất, cô ấy thực sự là người phụ nữ của gia đình. Cô ấy yêu thương tôi và con trai vô điều kiện. Nhưng trên hết, cô ấy là yếu tố cân bằng trong cuộc sống của tôi. Cô ấy khiến tôi có thể điều chỉnh lại các quyết định của mình với góc nhìn của một người khác, khách quan hơn. Cô ấy cũng là người một tay nuôi dạy con trai của chúng tôi trở thành một cậu bé lễ phép 13 tuổi khi bản chất công việc buộc tôi phải di chuyển đến 15-20 ngày trong tháng! Thành công hiện tại của tôi xin được dành cho cô ấy.

Phụ nữ dấn thân trong lĩnh vực kinh doanh theo ông cần có những tố chất nào để chạm tới thành công? Thách thức lớn nhất đối với họ ở vị trí lãnh đạo là gì? Tại PepsiCo, hẳn có nhiều lãnh đạo nữ, ông nghĩ gì về sự năng động và nội lực của họ?

Suntory PepsiCo luôn chào đón và có nhiều chính sách khuyến khích phụ nữ đến các vị trí lãnh đạo. Tôi thường cho rằng phụ nữ làm lãnh đạo thường làm việc chăm chỉ hơn nam giới rất nhiều. Bởi vì họ có nhiều áp lực để chứng minh bản thân, nên họ thường phải cố gắng hơn. Trên hết, khả năng xã hội và giải quyết các vấn đề liên quan đến con người của phái đẹp thường khiến tôi khâm phục. Bản năng của phụ nữ là sự mềm mỏng trong giao tế, kỹ năng lắng nghe và cống hiến cho những điều tốt đẹp. Tôi nghĩ họ cần phát triển thế mạnh đó, kết hợp phát triển kiến thức, họ chắc chắn có thể tạo nên những kết quả ngoạn mục trong công việc.

Nguồn: Tạp chí Nữ Doanh Nhân